Cương vực xã Tụ Long tổng Phương Độ thời nhà Lê Tụ Long

Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn viết: Châu Vị Xuyên tức là châu Bình Nguyên xưa, có 8 tổng 51 xã, duy Tụ Long là to hơn cả: có 24 thôn ấp, tập tục gọi thôn là làng. Địa thế xã này phía đông giáp xã Phấn Vũ (奮武) thuộc bản tổng, phía tây giáp phủ Khai Hóa Trung Quốc, phía nam giáp châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa, phía bắc giáp động Ngưu Dương Trung Quốc. Về mặt tây, lấy sông Đổ Chú để chia mốc giới với phủ Khai Hóa: Kể từ đầu ngọn sông, về phía đông ven sông, từ sông Đổ Chú đến làng Thác Ư (托於) giáp châu Thủy Vĩ, thuộc về địa phận Tụ Long. Về phía tây ven sông, từ làng Mã Bạch (馬白, hay Mã Bách 馬伯) đến làng Ma Cả Bô (Ma Cơ Pho) giáp châu Thủy Vĩ, thuộc về địa phận Khai Hóa. Núi Mã Yên (馬鞍山) ở làng Kỵ Mã xã Tụ Long cách xa với Trung Quốc. Một dải sông Đổ Chú chảy qua vụng Mã Bạch, chảy xuôi đến núi Mi (眉山), rồi hợp lưu với con sông nhỏ thuộc trấn Hưng Hóa nước ta, chảy xuống châu Thủy Vĩ. Lại một khe từ núi Mã Gia (馬茄山) chảy ven ngàn núi đến thôn Thác Ư thông với sông Tạ Mộng (謝夢), đây là chỗ nước ở Tụ Long, Hoàng Khê (黄谿), Thổ Khê (土谿) hợp lưu với nhau. Từ con khe này đến sông Đổ Chú cách nhau 150 dặm.[7]

Về sông Lô mà thượng nguồn là giới hạn phía đông của khu vực Tụ Long, Lê Quý Đôn viết: "Sông Cả lại có tên là sông Lô, Minh sử gọi là sông Bình Nguyên, ở về bên trái sông Chảy, phát nguyên từ ti Giáo Hóa trưởng quan tỉnh Vân Nam Trung Quốc, đó là mặt đông nam chảy xuôi đến châu Vị Xuyên (xưa gọi là châu Bình Nguyên) xứ Tuyên Quang, qua sau núi xã Tụ Long, đến phố Than mỏ Bình Di, hợp với ngòi Bán Ca về bên phải, chảy qua phố Ai mỏ Bình Di, hợp với ngòi Trung Bang về bên phải, chảy xuống Bình Quân, Phấn Vũ, Bắc Bảo hợp với cửa ngòi bên phải, chảy qua ải Phương Độ hợp với ngòi Thiểu về bên trái,..."

Tổng số thôn làng Đại Việt thu nạp lại từ nhà Thanh năm 1728 là 17 làng gồm: Nhĩ Hô (爾呼), Mạnh Ðinh (孟釘), Phù Ni (扶尼), Phù Li (扶籬), Phù Chu (扶周), Trĩ Giang (豸江), Phù Không (扶空), Ma Hô (痲呼), Bố Ma (布痲), Hô Khâm (呼襟), Mã Khao (馬犒), Tà Lộ (斜路), Yên Mã (鞍馬), Mã Thọ (馬夀), Tụ Kha (聚珂), Thông Sự (通事), và Mã Ðề (馬蹄)[8].

Sách Đại Việt địa dư toàn biên, Nguyễn Văn Siêu viết: "Năm Bảo Thái thứ 9 (1728) nhà Thanh trả lại cho ta xưởng mỏ đồng Tụ Long, lấy sông Đổ Chú làm địa giới... Bia đá lập ở địa phận xã Tụ Long huyện Vĩnh Tuy, 2 bờ nam bắc sông đều có bia. Bia bờ nam khắc chữ rằng: "Châu địa giới châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam, lấy sông Đổ Chú làm căn cứ. Năm Ung Chính thứ 6 tháng 9 ngày 18, ủy sai lũ Binh bộ thị lang Nguyễn Huy Nhuận, Quốc Tử giám Tế tửu Nguyễn Công Thái phụng chỉ lập bia này." Bia bờ bắc khắc chữ rằng: "Khai Dương xa ở cuối trời, là đất tiếp cõi Giao Chỉ, xét sách vở... lấy sông Đổ Chú cách phía Nam phủ trị 240 dặm làm châu địa giới bị lẫn lộn, nên ủy sai viên tra khám rồi tâu định địa giới ở núi mỏ chì. Hoàng thượng ta... nghĩ Giao Chỉ... kính thuận,... đem 40 dặm đất... ban cho. Lũ Sĩ Côn, thừa lệnh... Tổng đốc Vân Quý, làm hịch... Ngày mùng 7 tháng 9, hội đồng với sai viên của nước Giao Chỉ là lũ Nguyễn Huy Nhuận cộng đồng định nghị, lấy sông nhỏ ở phía nam đồn Mã Bạch làm địa giới, tức là sông mà quốc vương nước ấy gọi là Đổ Chú... dựng đình bia địa giới ở phía bắc sông này. Từ nay cõi ngoài biên vững bền, ức vạn năm.. không... hết. Năm Ung Chính thứ 6 tháng 9, ngày 18, thự Khai Hóa tri phủ thần Ngô Sĩ Côn, thự Khai Hóa trấn Trung dinh... Võ Đảng kính lập bia này"..."[9]

Vùng mỏ Tụ Long - Bình Di - Phấn Vũ của Việt Nam bị Pháp nhượng cho Trung Quốc, nằm giữa khoảng biên giới năm 1728 Đại Việt - Đại Thanh và biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ngày nay là toàn bộ vùng lãnh thổ với các địa danh cấp thôn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sau:

  • Mã Yên Sơn (马鞍山村) thuộc trấn Mã Bạch huyện Mã Quan, Hướng Dương (向阳村), 02 thôn Nam Lao (南捞村), Na Vãng (那往村) của trấn Nam Lao huyện Mã Quan, 04 thôn Cao Kiển Lương (高笕梁村), A Lão[10][11] (阿老村), Ngõa Tra (瓦渣村), Qua Lệnh (戈令村) của trấn Đại Bình huyện Ma Lật Pha, 05 thôn Nam Âu (南欧村), Mao Thảo Bình (茅草坪村), Xung Đầu (冲头村), Tì Trúc Bá (茨竹坝村), Đậu Thị Điếm (豆豉店村) của trấn Ma Lật. Các địa danh cấp thôn ngày nay nằm ở vị trí dọc theo đoạn biên giới 1728 từ Mã Bạch đến Cao Mã Bạch lần lượt làː Mã Yên Sơn, Hướng Dương (thôn), Nam Lao (thôn), Na Vãng, Cao Kiển Lương, A Lão, Nam Âu, Mao Thảo Bình và Xung Đầu.
  • Toàn bộ 11 thôn của trấn Giáp Hàn Thanh huyện Mã Quanː Giáp Hàn Thanh (夹寒箐村), Thủy Đối Phòng (水碓房村), Thông Tự (通寺村), Bố Đô Lão Trại (布都老寨村), Bá Giáp (坝甲村), Quang Khảm (光坎村), Tân Bảo Trại (新堡寨村), Tiêm Sơn (尖山村), Đạt Bố Tư (达布斯村), Ngưu Mã Lang (牛马榔村), Ma Long (么龙村).
  • Toàn bộ 04 thôn của trấn Tiểu Bá Tử huyện Mã Quanː Tiểu Bá Tử (小坝子村), Bán Pha (半坡村), Kim Trúc Bằng (金竹棚村), Điền Loan (田湾村).
  • Toàn bộ 03 thôn của trấn Kim Xưởng huyện Mã Quanː Kim Xưởng (金厂村), Trung Trại (中寨村), Lão Trại (老寨村).
  • Toàn bộ 08 thôn của trấn Đô Long huyện Mã Quanː Đại Trại (大寨村), Đô Long (都龙村), Kim Trúc Sơn (金竹山村), Bá Bảo (坝保村), Đông Qua Lâm (东瓜林村), Mao Bình (茅坪村), Lạt Tử Trại (辣子寨村), Bảo Lương Nhai (保良街村).
  • Toàn bộ 05 thôn của hương Mãnh Động huyện Ma Lật Phaː Lão Đào Bình (老陶坪村), Bá Tử (坝子村), Côn Lão (昆老村), Mãnh Động (猛硐村), Đồng Tháp (铜塔村).
  • Toàn bộ 06 thôn của trấn Thiên Bảo huyện Ma Lật Phaː Bát Tống (八宋村), Nam Ôn Hà (南温河村), Thành Tử Thượng (城子上村), Tiểu Trại (小寨村) Phân Thủy Lĩnh (分水岭村), Thiên Bảo (天保村).